
🧸 Chuyện với bé như thế nào cho “chuẩn” và “lịch sự”
791 lượt xemCách xây dựng một chàng trai khéo nói và một cô gái có duyên ngay từ bé tí!
Không nói gì xa xôi, nghệ thuật chuyện trò và phản hồi khi con bập bẹ chính là những bước đầu tiên xây dựng kĩ năng ngôn ngữ thực tế của con sau này.
Bắt đầu từ 2, 3 tháng, con sẽ bắt đầu bập bẹ và phát ra những âm thanh “có chủ ý” đầu tiên. Lúc này, chuyện trò với con nhiều lúc như là một câu chuyện độc thoại vậy. Nhưng không sao, đừng nản khi thấy con cứ phản hồi khó hiểu, (thơ ngây phát ghét) và dường như vô nghĩa. Tiếp tục chuyện, gọi tên con, chuyện thật là nhiều, thật là rôm rả, đưa con vào thế giới âm thanh xung quanh (kìa, ngoài kia là tiếng mưa đó Bống ơi, mùa thu đến rồi đó! – kiểu vậy). Tất cả những thanh âm đó sẽ giúp con nhanh chóng làm chủ được kĩ năng nói và tương tác của mình.
Sau đây là một vài bí quyết mà chuyên gia của WhatToExpect chia sẻ, gợi ý về cách mà một mẹ bỉm có thể tương tác với bé con của mình.
🎈 1. Hỏi và (tự) đáp – thật nhiều
Hãy “hỏi” con nhiều vào. Kiểu như:
“Bi ơi, giờ mình đi sang bà hay đi chơi nhỉ?”, “Kẹo ơi, không biết bố thích thiệp có hình bông hoa hay hình thỏ ngọc này nhỉ?”.
Rồi tự trả lời luôn.
“Đúng rồi, chắc là bố sẽ thích thiệp hình bông hoa đó, Kẹo nhỉ?”.
Đúng rồi, cứ như là độc thoại vậy, nhưng đây chính là cách để con học cách hỏi – đáp một cuộc hội thoại trong đời thực.
😘 2. Khoảng lặng khi con nói
Khi mẹ, bố bắt đầu quen dần với việc độc thoại để xây dựng vốn từ cho con, thì bé con cũng vậy, ban đầu, con sẽ “nói” bằng tay, chân, mắt, miệng và điệu bộ. Khi con “nói”, hãy dừng lại, nhìn vào mắt con và “trả lời” con thật lịch sự, “Ừ ừ, ừ ý.”, “Đúng rồi, mẹ biết mà.”, hoặc “mmm, hmmm.”.
Đó mang ý nghĩa là mẹ đã dành quan tâm đến những lời con “nói” – một yếu tố khích lệ con tiếp tục “nhiều lời” hơn nữa!
💃🏻 3. Nhập vai và diễn tả
Bố mẹ tiếp tục cần nhiều lời một chút, mô tả lại hành động, sự việc đang diễn ra. Kiểu như:
“Nào, Tấm đội mũ rồi sang bà chơi nào, đấy, mũ xinh chưa kìa, Tấm thích màu hồng hay màu đỏ nàoooo”.
“Ị thúi rồi này, để mẹ thay bỉm cho Bi nào … rửa mông đít cho mát mẻ nào … ôi sạch quá mát quá … dễ chịu quá …”
Con có hiểu mẹ đang nói gì không? Chịu, sao bác biết được. Nhưng bé sẽ hiểu – sớm thôi 😀 !
🐔 4. Nói về những thanh âm cuộc sống
Tiếp tục nói nào. Gió mùa về, tiếng mưa ngoài cửa sổ, tiếng gió lùa, tiếng còi xe, tiếng xe bố về…
“Kìa kìa, tiếng Pu sủa đấy. Pu hư nhỉ, sủa hoài.”
“Ồ. Chú lái xe bấm còi to quá, làm Bia giật cả mình rồi!”.
Hãy tiếp tục giới thiệu cho con, dần dần, vốn tương tác với âm thanh của con sẽ phong phú, góp phần hoàn thiện trí thông minh và cảm xúc của con.
📚 5. Đọc truyện và hát ru
Sách tranh là nguồn từ vựng dồi dào cho con trẻ, đọc từ sách hình, hát ru, hát những bài hát thiếu nhi giúp con thêm vốn từ và độ uyển chuyển của thanh âm.
😌 6. Âm cao của mẹ và âm trầm của bố
Chú ý cân bằng thời lượng của cả bố và mẹ. Các nghiên cứu cho thấy bé con có thể học và nhận diện từ cả hai âm vực giọng nữ cao và giọng nam trầm. Điều này tốt cho kĩ năng nói của con!
🇻🇳 Viết đến đây tự nhiên nhớ đến một bài thơ của Tố Hữu:
“Bữa trước mẹ cho con xem ảnh
Ông Stalin bên cạnh nhi đồng
Áo Ông trắng giữa mây hồng
Mắt Ông hiền hậu, miệng Ông mỉm cười
Stalin! Stalin!
Yêu biết mấy, nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Stalin!”
😅 Vậy nên con nói gì đều do bố mẹ cả. Nhớ 6 bí quyết trên để con nói tốt, nói hay, sát gái thần sầu và đốn tim các chàng trai trong tương lai 😀 ba mẹ nhé!