
Cầm máu cho bé bị chảy máu cam như thế nào là đúng?
322 lượt xemChảy máu cam là khi máu từ niêm mạc mũi chảy ra ngoài hoặc xuống họng. Tình trạng này có thể xảy ra do thời tiết hanh khô, thiếu ẩm hoặc bé vô tình cho tay vào mũi làm vỡ các mạch máu nhỏ bên trong. Hầu hết các trường hợp này đều lành tính, và chỉ cần mẹ cầm máu cho bé là ổn. Mẹ hãy ghi nhớ nguyên tắc cầm máu trong bài viết dưới đây để sử dụng khi cần nhé!
- Cầm máu cho bé thế nào là đúng?
Để cầm máu cho bé, đầu tiên mẹ cần xác định bé bị chảy máu cam bên nào. Sau đó, áp dụng các bước cầm máu sau:
Bước 1: Nhẹ nhàng lau sạch phần máu chảy ra ngoài cho bé
Bước 2: Dùng tay ép chặt cánh mũi bên đó vào thành mũi
Bước 3: Chờ khoảng 3 đến 5 phút cho máu đông lại
Với các bé nhỏ: trong quá trình thực hiện, mẹ có thể làm cho bé “quên” tình trạng của mình bằng cách tập trung sự chú ý của bé vào việc khác. Có thể cho bé xem video, hoạt hình hoặc kể cho bé nghe một câu chuyện. Ngoài ra, mẹ cần chú ý chườm đá lạnh cũng là một phương pháp tuy nhiên, nước đá lạnh có thể làm bé khó chịu và quấy khóc khiến mẹ khó cầm máu cho bé.
Mẹ cần lưu ý, sau khi máu đông lại có thể khiến làm bé khó chịu và ngoáy mũi. Mẹ không nên cho bé thực hiện việc này, vì rất dễ làm các mạch máu tiếp tục vỡ và chảy máu. Mẹ nên theo dõi bé một lúc, sau đó tiến hành vệ sinh mũi cho bé một cách nhẹ nhàng.
- Những việc mẹ không nên làm
Những việc làm sau có thể là cách chữa chảy máu cam phổ biến, nhưng mẹ không nên áp dụng cho bé. Cụ thể:
Đặt bé nằm xuống hoặc ngửa cổ lên: vì khi thực hiện việc này, máu sẽ chảy ngược xuống họng và dễ làm bé nôn, ói, nhất là với các bé còn nhỏ.
Chèn bông gòn/ khăn bông vào mũi bé: máu đông lại sẽ bám vào những vật này và khi mẹ rút ra sẽ kéo theo máu đông làm vỡ các mạch máu 1 lần nữa.
- Chảy máu cam khi nào nên đến bác sĩ
Hầu hết các trường hợp chảy máu cam đều lành tính và mẹ không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, những trường hợp liệt kê dưới đây là các triệu chứng nguy hiểm, mẹ nên đưa bé đến bệnh viện ngay, mẹ nhé.
- Bé đang bệnh, chuyển sang dùng thuốc mới thì chảy máu cam.
- Bé chảy máu cam thường xuyên, chảy trong thời gian dài.
- Bé chảy máu cam sau khi va đầu hoặc té ngã.
- Bé mất nhiều máu khi chảy máu cam.
- Bé chảy máu cam không cầm được.
- Bé chảy máu cam và có xuất huyết, bầm ở các vùng khác (ví dụ như nướu).
- Mẹ nên làm gì sau khi cầm máu?
Sau khi cầm máu cho bé, mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân bé bị chảy máu cam để có hướng xử lý phù hợp. Mẹ cần xem lại nhiệt độ phòng, nếu quá hanh khô hoặc bé ở phòng máy lạnh nhiều cần tạo thêm độ ẩm bằng cách phun sương. Đồng thời, thường xuyên vệ sinh mũi cho bé để bộ phận này luôn sạch sẽ và bé sẽ không ngoáy mũi, hỉ mũi dẫn đến vỡ mạch máu.
Bên cạnh tìm lý do chảy máu cam, mẹ nên bổ sung cho bé một thực đơn giàu dinh dưỡng để bù lại lượng máu bị mất. Ngoài ra, mẹ cũng nên bổ sung thêm vitamin C cho bé, vì thiếu C cũng dẫn đến chảy máu cam. Mẹ có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để cho bé dùng thêm các loại thuốc bổ sung sắt, tạo máu nhưng không nên tùy tiện sử dụng, mẹ nhé!
Chúc bé khỏe, mẹ vui ^^
XEM THÊM: