
Tác dụng của hạt kê giúp trường thọ, bổ thận…. có đúng như ‘lời đồn’
1396 lượt xemHạt kê không chỉ được biết đến là một loại thực phẩm mà còn là thảo dược quý được rất nhiều người sử dụng. Cùng tìm hiểu những tác dụng của hạt kê qua những bài thuốc dân gian.
Hạt kê hay còn gọi là tiểu mễ, cốc nha, cốc tử, túc cốc, bạch lương túc… là loại cây được trồng phổ biến và khá quen thuộc với nhiều người. Hạt kê được xem là loại lương thực phụ, có thể dùng để nấu cháo hoặc ăn cùng bánh đa (gọi là bánh đa kê).
Hạt kê không được trồng phổ biến tại Việt Nam, tuy nhiên, ở Trung Quốc hoặc các nước châu Âu thì đây là một loại cây lương thực quan trọng. Một số nơi còn xem hạt kê là một trong 10 món ăn của người sống trường thọ do có chứa nhiều dược tính tốt cho sức khỏe con người.
Hạt kê có tác dụng gì?
Theo Đông y, hạt kê có vị ngọt, tính hơi hàn. Một số tác dụng của hạt kê là giúp bổ trung ích khí, tiêu khát, lợi tiểu, ngừa sỏi thận, đái tháo đường và tiêu chảy. Hạt kê còn là lương thực tốt cho người bị đau dạ dày, bị chứng khó tiêu, hôi miệng, tỳ vị hư nhược. Kê cũng là món ăn tốt cho người bị thấp khớp, làm dịu cơn đau do sinh nở.
10
Các nghiên cứu hiện đại cho thấy hạt kê chứa rất nhiều thành phần dinh dưỡng, dễ tiêu hóa. Nghiên cứu ghi nhận, trong hạt kê có chứa hydrat carbon, protein, lipid, canxi, photpho, sắt, cùng các loại đường và vitamin nhóm B. Ngoài ra, hạt kê chứa rất nhiều chất melatonin có tác dụng trấn tĩnh tinh thần và gây buồn ngủ, vì thế đây là thực phẩm giúp bạn được một giấc ngủ ngon.
Công dụng hạt kê qua các bài thuốc chữa bệnh
Do hạt kê chứa nhiều dược tính tốt cho cho sức khỏe nên loại hạt này không chỉ được sử dụng làm thực phẩm mà còn dùng trong trị liệu nhiều bệnh lý. Dưới đây là một số bài thuốc từ hạt kê theo kinh nghiệm dân gian:
- Cầm đi lị: Hạt kê để lâu năm đun với nước để uống. Dùng trong 3 – 5 ngày.
- Trẻ nhỏ bị cam tích, tiêu hóa kém: Hạt kê 100g, khoai mài lượng vừa đủ, nấu thành cháo ăn. Cho trẻ ăn ngày 2 lần, ăn liên tục trong 10 ngày.
- Trị chứng đổ mồ hôi trộm, xương nóng: Hạt kê dẻo dùng với lượng vừa đủ, đun cháo ăn. Dùng trong 5 ngày.
- Tỳ vị hư yếu, tiêu hóa kém, đau bụng, nôn mửa: Dùng khoảng 150 – 200g bột hạt kê hòa với nước, vò lại thành viên. Mỗi lần dùng 30 – 50 viên, chưng chín xong cho thêm ít muối, ăn không hoặc ăn với canh.
- Người cao tuổi gầy yếu, phụ nữ sau sinh thiếu sữa: Hạt kê 30 – 50g đun cháo cho thêm đường đỏ, ăn lúc nóng. Hoặc dùng hạt kê, khoai lang (mỗi thứ 50g), đun thành cháo ăn vào sáng và tối. Dùng khoảng 10 ngày cho một liệu trình.
- Phụ nữ mang thai khí hư quá nhiều: Dùng hạt kê 50g, hoàng kỳ 50g, cho vào nồi đổ đủ nước nấu thành cháo ăn. Ngày ăn 1 lần, ăn trong vài ngày liền.
- Mất ngủ do tiêu hóa kém: Dùng hạt kê 25g, bán hạ đã chế biến 10g, sắc nước uống.
- Miệng khô, dạ dày nóng, tiểu tiện khô: Hạt kê để lâu năm nấu thành cháo ăn.
Những món ăn dinh dưỡng khác từ hạt kê
Không chỉ được dùng để nấu cháo, hạt kê còn có thể dùng để nấu xôi, nấu chè… với công dụng chữa bệnh.
- Cơm kê: Hạt kê được đồ hoặc nấu thành dạng cơm xôi, ăn hàng ngày. Tốt cho người bị đái tháo đường.
- Xôi kê: Dùng hạt kê đã xát vỏ (lật mễ) 250g, nấu xôi kê hoặc cơm nếp. Món ăn này tốt cho người bị suy nhược cơ thể, phụ nữ sau sinh, người bị bệnh mạn tính dài ngày, lao phổi, trẻ em suy dinh dưỡng.
- Chè kê: Hạt kê 100 – 150g, đường phèn khoảng 50g. Kê xát vỏ, nấu cháo chín cho đường vào, đánh tan, đun sôi là có thể ăn. Chè kê là món ăn tốt cho người lao động hay phòng dục quá độ khiến cơ thể bị nóng, ho, ra mồ hôi trộm, mất ngủ.
Lưu ý: Không ăn các món ăn có hạt kê chung với hạnh nhân để tránh gây nôn ói, tiêu chảy.