Tiệt trùng bình sữa bằng cách đun sôi có thể gây bệnh ung thư cho trẻ
29 04/20
29/04/2020

Tiệt trùng bình sữa bằng cách đun sôi có thể gây bệnh ung thư cho trẻ

1022 lượt xem

Nhiều bậc phụ huynh tưởng đun sôi là cách tốt nhất để tiệt trùng bình sữa mà không biết đó là một sai lầm.

Những người mẹ thường có nỗi lo vô hình về các loại vi khuẩn xung quanh con mình. Với các bà mẹ cho con bú bình thì nỗi lo ấy chính là “đun sôi tiệt trùng bình sữa có sao không?”. Những người mẹ tin rằng đun sôi ở nhiệt độ cao thì vi khuẩn và vi trùng sẽ được loại bỏ hoàn toàn. Thế là sau mỗi lần bú, các bình sữa được đem đi kỳ cọ một cách kỹ lưỡng, thậm chí còn được đun sôi trong vài phút, với hy vọng nhiệt độ cao sẽ khiến bình sữa trở nên vô trùng và an toàn cho con trẻ. Điều này là hoàn toàn sai lầm.

Theo Pramono, chuyên gia dinh dưỡng của Bệnh viện Đa khoa Ulin ở Banjarmasin, Indonesia cho biết, hầu hết bình sữa cho trẻ em đều được làm bằng nhựa Polycarbonate (PC). Kết quả là, nếu đun sôi trong một thời gian dài, có khả năng loại nhựa này sẽ giải phóng dư lượng của một hợp chất hóa học nguy hiểm có tên gọi là bisphenol-A (BPA).

Pramono cũng giải thích thêm, BPA có thể gây nguy hại đến hệ thống sinh sản, dây thần kinh và hệ miễn dịch của con người. Tiếp xúc với BPA thường xuyên trong suốt những năm đầu đời có thể làm rối loạn hệ thống nội tiết tố của cơ thể, làm cho hệ sinh dục và não của trẻ sơ sinh phát triển một cách bất thường, dẫn đến tình trạng dậy thì sớm ở trẻ nhỏ, béo phì hoặc hen suyễn. Tệ hơn nữa, nó còn làm ảnh hưởng đến tuyến tiền liệt và sự phát triển của các mô tuyến vú, có thể làm tăng nguy cơ ung thư. Những nghiên cứu này đã làm dấy lên mối lo ngại về tác hại của BPA tới sức khỏe trẻ sơ sinh, đặc biệt là nhiều mẹ có thói quen tiệt trùng bình sữa bằng cách đun sôi.

Cách nhận biết bình sữa không có BPA là gì?

Để tránh phải sai lầm này, Pramono khuyên các bà mẹ nên thận trọng trong việc lựa chọn bình sữa cho trẻ. Các bà mẹ nên chọn loại bình sữa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được làm từ loại nhựa an toàn không có các chất gây ung thư như nhựa Polypropylen (PP) hoặc Polyetylen (PE) và đảm bảm bình sữa phải có dán nhãn “BPA Free” (không có BPA).

Trong trường hợp nhà sản xuất không ghi rõ, các mẹ có thể kiểm tra các ký hiệu dưới đáy bình. Bình sữa bằng nhựa an toàn sẽ có các ký hiệu 2-HDPE, 4-LDPE hoặc 5-PP. Hoặc bằng mắt thường, phụ huynh cũng có thể chú ý một vài đặc điểm như sau: Nhựa PC không đảm bảo an toàn thường khá cứng, nhìn trong suốt vì có chất BPA. Trong khi các sản phẩm làm từ nhựa PP an toàn thường sẽ mờ và mềm hơn, dùng tay sờ có độ mượt, mềm mại và khá chắc tay cầm.

Tiệt trùng bình sữa thế nào là đúng cách?

Khi các bà mẹ đã an tâm với một bình sữa được làm từ chất liệu an toàn, thì nỗi băn khoăn kế tiếp vẫn là làm thế nào để vệ sinh bình sữa đúng cách? Các chuyên gia lưu ý một số điểm quan trọng sau:

Không nên chùi rửa bình sữa bằng bàn chải cứng: Vì điều này có thể làm trầy xước lớp nhựa bên trong bình và giải phóng các hợp chất có hại cho sức khỏe.

Nên kiểm tra bình sữa thường xuyên: Cẩn thận nếu thấy bình sữa bị đục dần đi, mất đi độ trong suốt theo thời gian khi tiếp xúc thường xuyên với nước nóng. Đây là dấu hiệu chứng tỏ các chất độc hại đã thoát ra khỏi lớp vỏ bình. Vì lí do này mà các bậc cha mẹ nên thay bình sữa vài tháng một lần hoặc bất cứ khi nào thấy phần vỏ bình bị đổi màu.

Sử dụng nhiệt độ thích hợp để tiệt trùng bình sữa: Mẹ có thể sử dụng các loại máy tiệt trùng bình sữa chuyên dụng hoặc đơn giản súc rửa bình bằng nước sôi trong vài phút để diệt vi khuẩn, không nên đun sôi tiệt trùng bình sữa cho con bú trong nước sôi già.

Với việc lựa chọn và vệ sinh bình sữa đúng cách như trên, mẹ sẽ hạn chế được sự xâm hại của vi khuẩn gây bệnh ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa yếu ớt của bé.

huyhoang
huyhoang
Gửi tin nhắn cho chúng tôi