Nghệ Vàng
21 11/19
21/11/2019

Nghệ Vàng

246 lượt xem

Nghệ là một loại cây thân quen với mọi gia đình, gia vị trong bếp nhà bạn hẳn không thể thiếu loại cây này. Tuy nhiên,  ngoài công dụng làm gia vị, “mỹ phẩm” chăm sóc da thì nghệ vàng còn được sử dụng làm dược liệu. Nhờ có mùi thơm nồng, tính ấm nên nghệ thường được dùng phổ biến trong các bài thuốc cổ truyền. 

Nghệ vàng được sử dụng để làm gia vị món ăn, làm thuốc hoặc làm “mỹ phẩm” chăm sóc da

1. Tên gọi – phân nhóm

  • Tên gọi khác: Khương hoàng, uất kim hương
  • Tên khoa học: Curcuma zanthorrhiza Roxb. – Curcuma xanthorrhiza Dietr
  • Họ: Gừng (Zingiberaceae)

2. Đặc điểm sinh thái

Đặc điểm thực vật

Nghệ thuộc cây thân cỏ, cao khoảng 0,6 – 1m. Cây tạo nhánh cao, thân hình trụ, rễ được phát triển thành củ, có mùi thơm. Lá nghệ mọc xen kẽ và xếp thành 2 hàng đối xứng nhau, các phiến lá đơn thường có chiều dài từ 70 – 100cm, rộng khoảng 38 – 40cm, hình elip, thuôn nhọn và được thu hẹp ở chóp. Cụm hoa thường được mọc ở giữa các lá, có hình nón thưa. Quả nang 3 ngăn, mở bằng 3 van. Hạt có áo hạt.

Đặc điểm dược liệu

Củ nghệ vàng được hình thành từ phần rễ cây, có hình trụ tròn được chia thành nhiều nhánh khác nhau. Bên ngoài, vỏ nghệ có màu nâu xám, vân ngang sẫm màu. Bên trong, nghệ có màu vàng tươi. Nghệ tươi có mùi thơm, vị cay, hơi nồng. Sau khi phơi khô, nghệ có sự chuyển màu rõ rệt.

Phân bố

Nghệ vàng được trồng khá phổ biến tại Việt Nam để làm gia vị và làm thuốc. Ngoài ra nghệ vàng còn được trồng nhiều Ấn Độ, Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia và các nước nhiệt đới lân cận.

3. Bộ phận dùng, thu hái, sơ chế và bảo quản

Bộ phận dùng: Củ nghệ là bộ phận được sử dụng làm dược liệu.

Thu hái và sơ chế: Nghệ vàng thường được thu hoạch vào mùa thu. Sau khi thu hoạch, người ta phải cắt bỏ thân, rễ và giữ lấy phần củ nghệ. Sau đó, đem đi phơi nắng hoặc sấy khô để bảo quản được lâu. Ngoài ra, có thể chế biến nghệ dưới dạng bột mịn, phơi khô. Đây là dạng dược liệu được sử dụng phổ biến nhất.

Bào chế: Nghệ vàng được sử dụng để làm gia vị món ăn hoặc bào chế thuốc dưới dạng bột, viên nén. 

Bảo quản: Nghệ vàng sau khi phơi hoặc sấy khô thì đem đi bảo quản ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời và nơi có độ ẩm cao.

4. Thành phần hóa học

Các nghiên cứu hiện đại chỉ ra trong củ nghệ tươi có chứa một số thành phần hóa học như là:

  • 0,3% chất tạo màu curcumin tinh thể ánh tím, nâu đỏ không tan trong nước nhưng tan trong rượu, dung dịch có huỳnh quang màu xanh lục, ete, clorofoc hoặc tan trong axit, dung dịch kiềm, chất béo.
  • Công thức curcumin đã được xác định: 1-5% tinh dầu có màu vàng nhạt, thơm. Trong tinh dầu có 1 cacbon không no, 5% paratolylmetyl cacbinol và 1% long não hữu tuyến, curcumen, tinh bột, chất béo, canxi axalat,…

Củ nghệ vàng được hình thành từ rễ cây và chứa nhiều hoạt chất có lợi cho sức khỏe

5. Tính vị

Nghệ vàng có vị cay đắng, mùi thơm hắc, tính ấm. Tác dụng hành khí, phá huyết, thông kinh, chỉ thống, tiêu mủ, kháng viêm, liền sẹo.

6. Qui kinh

Nghệ đi vào 2 kinh Can và Tỳ.

7. Tác dụng dược lý

 

  • Nghệ có tác dụng giúp giảm cân, chống béo phì: Nghệ giúp cải thiện quá trình trao đổi chất, có khả năng đốt cháy lượng mỡ thừa hiệu quả. Ngoài ra, nghệ còn có tác dụng làm  giảm  cholesterol thừa trong máu, duy trì lượng cholesterol thích hợp trong cơ thể. Trong củ nghệ có chứa một thành phần chất giúp làm tăng dòng chảy của mật, tham gia quá trình phân hủy chất béo từ chế độ ăn uống của bạn. 
  • Tác dụng ức chế tế bào ung thư: Hoạt chất curcumin trong củ nghệ tươi có tác dụng ức chế sự phát triển một số loại tế bào ung thư như ung thư buồng trứng, ung thư vú,… Tại New Jersey các nhà khoa học đã đưa ra chứng minh: ăn nghệ với bông cải xanh, các loại rau họ cải có thể bảo vệ bạn chống lại căn bệnh ung thư tuyến tiền liệt.
  • Hỗ trợ chữa bệnh viêm khớp: Nhiều bằng chứng lâm sàng cho thấy curcumin có tác dụng giảm triệu chứng sưng đau cứng khớp hiệu quả và ức chế một trong các nguyên nhân gây phá hủy sụn khớp.
  • Tác dụng hỗ trợ hệ tiêu hóa: Nghệ có thể kích thích tiêu hóa và giải phóng enzym tiêu hóa, các enzym này phá vỡ liên kết carbonhydrat và các chất béo. 
  • Giảm hàm lượng cholesterol trong máu và chống lại chứng xơ vữa động mạch: Curcumin là chất chống oxy hóa, chất chống viêm rất hiệu quả, có thể giúp đề phòng bệnh tim, cũng như giảm nguy cơ các cơn đau tim xảy ra cho những người phẫu thuật.
  • Giảm nguy cơ ung thư do hút thuốc
  • Tăng sức đề kháng: Chất lipopolysaccharide có chứa trong nghệ có khả năng tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể. Các chất kháng khuẩn, chống lại virus và kháng nấm có trong nghệ cũng giúp củng cố hệ thống miễn dịch.
  • Ngăn ngừa bệnh gan: Nghệ là một loại giải độc gan tự nhiên. Gan thải độc máu thông qua việc sản xuất các enzym và nghệ có khả năng làm thúc đẩy sản xuất các enzym thiết yếu. Các enzym được sản xuất ra sẽ làm giảm và tiêu hủy độc tố trong cơ thể. 
  • Tăng cường lưu thông máu
  • Ngăn ngừa bệnh Alzheimer: Củ nghệ có vai trò hỗ trợ tổng thể sức khỏe của bộ não với cơ chế loại bỏ các mảng bám tích tụ trong não và cung cấp lượng oxy cho não bộ. Điều này cũng có tác dụng ngăn ngừa hoặc làm chậm sự tiến triển của bệnh Alzheimer.
  • Trị lành vết thương: Trong củ nghệ có chứa chất kháng khuẩn và sát trùng tự nhiên, có thể dùng như một loại chất kháng viêm hiệu quả. Đặc biệt, cây nghệ cũng giúp phục hồi da hư tổn và được sử dụng để điều trị vẩy nến, á sừng và các bệnh ngoài da khác.

8. Liều lượng và cách dùng

Y học Cổ truyền vận dụng nghệ cho các trường hợp huyết tích, kim sang, sinh cơ, điều trị sản hậu, chữa viêm đau dạ dày, viêm loét trên da, phụ nữ sau sinh có dấu hiệu đau bụng. Ngoài ra, nghệ vàng còn được dùng để trị mụn, bôi lên vết sẹo, nhuộm vàng bột cà ri, nhuộm len, tơ,…

Tuy nghệ là dược liệu tự nhiên nhưng khi sử dụng quá liều, nó cũng có khả năng gây ra tác dụng phụ. Các chuyên gia khuyến nghị, mỗi người chỉ nên sử dụng khoảng 3- 6g bột nghệ/ngày. Nếu dùng ở dạng thuốc sắc thì nên chia thành 2 – 3 lần uống.

9. Bài thuốc sử dụng nghệ vàng

9.1. Hỗ trợ điều trị đau dạ dày

  • Nghệ đem rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô và tán thành bột mịn.
  • Hòa bột nghệ với mật ong, sau đó vo viên nhỏ bằng đầu đũa.
  • Để cho ráo rồi cho vào lọ thủy tinh đậy kín nắp. 
  • Mỗi lần dùng khoảng 3 – 6 viên hỗn hợp để cải thiện chứng đau dạ dày, ăn uống không tiêu.

9.2. Cải thiện chứng kinh nguyệt không đều

  • Dùng nghệ vàng, đào nhân, xuyên khung mỗi vị 8g, ích mẫu, kê huyết đằng mỗi vị 16g và 12g sinh địa.
  • Cho các vị thuốc vào ấm, sắc với nước để uống mỗi ngày.
  • Kiên trì sử dụng khoảng 2 – 3 tuần trước khi có kinh.
  • Áp dụng khoảng 5 liệu trình hoặc cho đến khi kinh nguyệt ổn định.

9.3. Trị mụn nhọt trên da bằng nghệ vàng

  • Lấy khoảng 100g nghệ vàng, 150g củ ráy dại, 150g dầu vừng, 70g sáp ong và nhựa thông.
  • Gọt vỏ củ ráy và nghệ, rửa sạch, thái mỏng và giã nát.
  • Sau đó, cho hỗn hợp này vào trong dầu vừng, nấu nhừ.
  • Tiếp tục cho nhựa thông và sáp ong vào, đun nóng, khuấy đều lên và để nguội. 
  • Phết hỗn hợp này lên giấy bản và dán vào chỗ mụn nhọt.

9.4. Khắc phục triệu chứng đau bụng kinh

  • Dùng khoảng 15g nghệ vàng, 10g huyền hồ. Cả 2 đều được chích giấm.
  • Sắc lấy nước uống, mỗi ngày dùng 1 thang, chia đều thành 3 lần uống trước bữa ăn.
  • Kiên trì uống khoảng 2 – 3 tuần trước kỳ kinh để giảm thiểu triệu chứng đau bụng.

9.5. Trị chứng đau bụng, trướng bụng do ăn uống không tiêu

  • Dùng hương phụ, uất kim, sài hồ với lượng từ 9 – 12g.
  • Có thể sắc lấy nước uống hoặc tán thành bột mịn, mỗi ngày dùng 1 thang. 
  • Uống trước bữa ăn khoảng 1 – 2 tiếng.

9.6. Chữa viêm gan cấp tính do virus

  • Lấy khoảng 12g nghệ vàng, bồ công anh, nhân trần, bạch mao căn mỗi vị khoảng 40g, 16g chi tử, hoàng liên, đại hoàng mỗi vị 9g cho vào ấm.
  • Sắc lấy nước uống, mỗi ngày dùng 1 thang, chia thành 3 lần uống.
  • Sử dụng thuốc trước bữa ăn, uống liền 3 – 4 tuần liên tiếp.

9.7. Khắc phục chứng viêm gan mãn tính

  • Lấy khoảng 4g nghệ, 12g côn bố, 12g đình lịch tử, 10g hạt bìm bìm, 10g hải tảo, 6g quế tâm cho vào ấm. 
  • Sắc lấy nước uống, mỗi ngày dùng 1 thang, chia thuốc thành 3 lần uống trước bữa ăn.

9.8. Hỗ trợ điều trị sỏi gan, sỏi mật

  • Chuẩn bị 10g đường phèn và 10g nghệ vàng.
  • Đem 2 nguyên liệu này để tán thành bột.
  • Hòa với nước uống mỗi ngày 1 lần, sử dụng trước bữa ăn.
  • Nếu có mật gấu thì có thể gia thêm để làm tăng tác dụng của bài thuốc.

10. Kiêng kỵ khi sử dụng nghệ vàng

Những ai không nên sử dụng nghệ vàng?

Mặc dù nghệ vàng là dược liệu lành tính, nhưng để an toàn hơn đối với sức khỏe, các chuyên gia khuyến cáo những đối tượng sau đây không nên sử dụng nghệ vàng:

  • Phụ nữ mang thai
  • Bệnh nhân trào ngược dạ dày
  • Người bị thiếu máu
  • Người bị huyết áp hoặc tiểu đường
  • Bệnh nhân sỏi thận
  • Người chuẩn bị phẫu thuật

Tương tác thuốc

Nghệ vàng có khả năng gây ra một số tương tác bất lợi đối với các nhóm thuốc sau:

– Thuốc chống đông máu: Các nghiên cứu gần đây cho thấy, hoạt chất curcumin trong nghệ có khả năng chống huyết khối nên nó sẽ trở nên “nguy hiểm” hơn khi kết hợp với thuốc chống đông máu. Khi quá trình tương tác thuốc xảy ra, bệnh nhân sẽ có nguy cơ bị chảy máu bên trong. Vì vậy, nếu bạn đang sử dụng thuốc làm loãng máu thì hãy trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng nghệ hoặc các chế phẩm từ nghệ.

 Thuốc kháng histamin: Nghệ vàng có khả năng gây ra một số rắc rối khi kết hợp với nghệ vàng. Sự kết hợp này có thể dẫn đến một số triệu chứng nghiêm trọng như khó thở, phát ban hoặc sốc phản vệ.

 Thuốc điều trị bệnh đái tháo đường: Những bệnh nhân đang trong thời kỳ sử dụng thuốc trị đái tháo đường thì cần phải hết sức thận trọng khi sử dụng nghệ. Bởi nó có thể làm cho lượng đường trong máu giảm mạnh và dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng.

– Thuốc kháng acid dạ dày: Trung tâm Y tế Đại học Maryland, Hoa Kỳ cho biết, việc kết hợp nghệ vàng với thuốc kháng acid như cimetidin, famotidine, ranitidine và omeprazole sẽ khiến cho lượng acid trong dạ dày tăng mạnh. Đồng thời gây ra các triệu chứng khó chịu như đau bụng, buồn nôn, tổn thương niêm mạc,… 

Một vài lưu ý khi sử dụng nghệ vàng

Để sử dụng nghệ vàng an toàn, bạn cần nắm rõ một vài lưu ý sau đây:

  • Tuyệt đối không nên sử dụng nghệ vàng khi gặp các vấn đề về túi mật.
  • Nam giới đang muốn có con thì nên thận trọng khi dùng nghệ, bởi nó có ảnh hưởng đến khả năng hấp thu chất sắt. Do đó, những người đang thiếu sắt hoặc đang bổ sung sắt thì cũng nên chú ý đến vấn đề này.
  • Nên sử dụng nghệ vàng đủ liều, đúng lượng và không nên lạm dụng.
  • Có thể kết hợp nghệ vàng với mật ong để làm tăng tác dụng điều trị bệnh.

Với những thông tin về cây nghệ vàng trên đây, hi vọng sẽ giúp ích cho bạn đọc trong việc tìm hiểu và tham khảo. Mọi thông tin chi tiết, hãy trực tiếp trao đổi với bác sĩ để được tư vấn cụ thể hơn.

huyhoang
huyhoang
Gửi tin nhắn cho chúng tôi