
Gừng
361 lượt xemGừng có vị cay, tính ấm, vào 3 kinh phế, tỳ, vị, có tác dụng phát biểu, tán hàn, ôn trung, tiêu đàm, hành thủy, giải độc. Ngoài ra, tùy theo hình thức sử dụng, gừng có nhiều công dụng khác nhau.
1. Tên gọi – phân nhóm
- Tên khác: Sinh khương, can khương, bào khương
- Tên khoa học: Zingiber officinale Rose
- Họ: Gừng (Zingiberaceae)
2. Đặc điểm sinh thái
Mô tả thực vật
Gừng là một loài thực vật thuộc cây thân thảo, cao khoảng 1m. Thân rễ nạc, phát triển thành củ, phân nhánh xòe ra giống hình bàn tay, màu vàng nhạt, có mùi thơm cay. Lá mọc so le, hình mác, có gân giữa hơi trắng nhạt, không có cuống, khi vò lá có mùi thơm.
Trụ hoa dài khoảng 20cm, hoa màu vàng, mép cánh hoa màu tím, nhị cũng màu tím. Đài hoa dài 1cm, có 3 răng ngắn. Quả mọng.
Mô tả dược liệu
Là phần củ gừng không có hình dạng nhất định, phân nhánh, dài 3-7cm. Mặt ngoài có màu vàng nhạt hoặc màu trắng tro, có đốt tròn và vết nhăn dọc. Mặt cắt ngang có sợi thưa và nhiều chấm sáng.
Phân bố
Gừng được trồng phổ biến ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới. Nhật Bản được xem là nước trồng nhiều gừng nhất thế giới và được xem như một loại cây gia vị.
Ở Việt Nam cây được trồng khắp cả nước, từ vùng núi đến đồng bằng để lấy củ.
3. Bộ phận dùng, thu hái, sơ chế và bảo quản
Bộ phận dùng: Thân, rễ
Thu hái – Sơ chế: Gừng tươi thường được đào tươi vào mùa hạ và thu, cắt bỏ lá và rễ con. Muốn dùng gừng tươi (sinh khương) thì cho vào chậu và phủ đất lên, khi dùng thì đào lên rửa sạch. Còn dùng gừng khô (can khương) thì đào củ vào mùa đông, cắt bỏ lá, rễ, rửa sạch và phơi khô.
4. Thành phần hóa học
Gừng có chứa 2 – 3% tinh dầu, 5% chất nhựa dầu, 3,7% chất béo, tinh bột và các chất cay như zingeron, zingerola, shogaola.
Trong tinh dầu có thành phần chủ yếu là các hợp chất hydrocarbon sesquiterpenic: b-zingiberen (35%), b-curcumenen (17%), b-farnesen (10%) và một lượng nhỏ các hợp chất alcol monoterpenic như: geraniol, linalol, borneol. Nhựa dầu chứa 20 – 25% tinh dầu và 20 – 30% các chất cay. Ngoài ra, trong tinh dầu gừng còn chứa a-camphen, b-phelandren, eucalyptol…
5. Tác dụng dược lý
– Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
- Gừng giúp giảm đau xương khớp và đau cơ: Các thành phần hoá học trong gừng giúp ức chế sự sinh tổng hợp các chất prostaglandin gây viêm, giúp cải thiện tình trạng viêm khớp gối và đau nhức
- Giúp kéo dài tuổi thọ: Sử dụng gừng và các sản phẩm chiết xuất của gừng thường xuyên còn có tác dụng chống lão hóa, kéo dài tuổi thọ vì trong gừng chứa nhiều chất chống oxy hóa giúp loại bỏ các gốc tự do khỏi cơ thể và ngăn ngừa sự oxy hóa gây hại cho tế bào.
- Làm giảm đau bụng do kinh nguyệt: Khi bị đau bụng do kinh nguyệt, bạn nên uống một cốc trà gừng nóng, sẽ làm giảm cơn đau. Gừng đã được thử nghiệm với một nhóm phụ nữ bị đau bụng kinh và kết quả cho thấy loại củ này có hiệu quả rất tốt trong việc giảm đau.
- Giảm nguy cơ bệnh Alzheimer: Các chất trong củ gừng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Gừng cũng giúp bảo vệ chống lại chứng suy giảm nhận thức do tuổi tác.
- Giúp điều trị chứng nôn và buồn nôn: Nếu bạn cảm thấy buồn nôn, đơn giản chỉ cần uống một cốc trà gừng và bạn sẽ cảm thấy tốt hơn rất nhiều trong thời gian ngắn.
- Giúp giải toả stress: Nhờ chứa chất Cineole nên gừng có thể giúp giải tỏa stress, trị bệnh nhức nửa đầu, giúp cho giấc ngủ ngon và sảng khoái. Gừng còn làm dịu cơn đau răng hay sự khó chịu gây ra do nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, nhờ vào tính chất kháng khuẩn và chống nấm của nó.
– Theo Đông y:
- Sinh khương có tác dụng phát tán phong hàn, chữa cảm mạo phong hàn, ngạt mũi, ho có đờm, nôn mửa, làm ấm dạ dày trong các trường hợp bụng đầy chướng, ăn không tiêu, khí huyết ngưng trệ, chân tay lạnh. Ngoài ra dùng làm thuốc kích thích tiêu hóa, tăng bài tiết, sát trùng, hành thủy, giải độc ngứa do bán hạ, cua cá, chim thú độ
- Can khương ôn trung khử hàn, hồi dương thông mạch. Đồng thời có tác dụng cầm máu, chỉ ho. Can khương chữa đau bụng lạnh, đầy trướng không tiêu, tả, chân tay giá lạnh, mạch nhỏ, đàm ẩm, ho suyễn và thấp khớp.
6. Tính vị
- Vị cay
- Tính ấm
7. Quy kinh
Theo y học cổ truyền, gừng quy vào các kinh phế, tỳ, vị
8. Cách dùng và liều lượng
- Sinh khương: Ngày dùng 4-8 g dưới dạng thuốc sắc uống. Ngoài ra còn dùng làm thuốc xoa bóp và đắp ngoài chữa sưng phù và vết thương.
- Can khương: Ngày dùng 4 – 20g dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán. Thường dùng phối hợp với các vị thuốc khác.
9. Bài thuốc sử dụng gừng:
Trị cảm mạo phong hàn: Tía tô 10g, kinh giới 10g, bạc hà 10g, bạch chỉ 6g, địa liền 6g, vỏ quýt 6g, sinh khương 3 lát. Sắc uống ngày 1 thang trong 3 ngày.
Chữa trúng phong cấm khẩu (tai biến mạch máu não): Uống nước sắc kinh giới hoà với nước cốt gừng. nước măng vòi (lấy vòi tre hơ lửa vắt lấy nước cốt) và rượu, các thành phần với liều lượng bằng nhau.
Chữa vàng da, tiểu tiện không lợi, suyễn hoặc bệnh đến giai đoạn nguy cấp: Gừng sống, củ chóc, mỗi vị 320g. Sắc uống làm 2 lần
Chữa ho lâu ngày: Gừng sống giã lấy nước cốt (1 thìa) tròn mật ong (1 thìa). Đun nóng, uống dần ít một.
Chữa hen: Nước gừng sống. nước chanh, sữa người. đồng tiện, đều I chén. Hãm ấm và uống cho đến khì khỏi
Chữa lạnh, cước chân tay vào mùa đông: Rễ lá lốt, gừng tươi đun nước ngâm chân, có thể cho thêm ít muối khi ngâm.
Dùng trà gừng cho trường hợp bị tụt huyết áp: Gừng tươi rửa sạch, loại bỏ vỏ, đem xay nhuyễn và đem nấu với đường kính. Bảo quản trong lọ thủy tinh dùng dần. Khi bị tụt huyết áp, cảm lạnh có thể pha với nước gừng ấm để uống.
Chữa tỳ vị hư yếu, ăn uống kém: Can khương tán bột ra 4 lượng kẹo mạch nha, xắt lát rửa qua nấu cho tan ra, viên bằng hạt ngô đồng, uống lúc đói với cơm, ngày 30 viên.
Đau bụng do hàn lạnh: Can khương Truật, Phục linh, Nhân sâm, Cam thảo.
Trị nôn mửa thuộc hư hàn: Can khương, Nhân sâm, Bán hạ, các vị bằng nhau, tán bột, trộn nước gừng làm viên, mỗi lần uống 6-9g, ngày 3 lần (Can Khương Nhân Sâm Bán Hạ Hoàn – Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
Trị phụ nữ băng huyết: Can khương 6g, Tông bì và Ô mai đều 9g. Tất cả đốt cháy đen tán bột uống (Như Thánh Tán- Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
Giảm đau, kháng viêm: Giã nát củ gừng tươi đã rửa sạch, hãm lấy nước uống, còn dùng bã gừng đắp lên, hoặc ngâm tay, chân vào nước gừng loãng mỗi tối trước khi ngủ 15 – 20 phút để chữa chứng viêm khớp.
Trị mụn: Lấy gừng, sả và vài lát chanh đun lấy nước, rồi chùm khăn xông mặt để thư giãn và làm sạch sâu bụi bẩn dưới da.
10. Lưu ý
– Tránh dùng gừng với thuốc aspirin và coumarin (phải cách xa 4 giờ).
– Không dùng gừng cho người chuẩn bị mổ và sau mổ, người đang chảy máu như băng huyết, ho ra máu, nôn ra máu, tiểu ra máu, trĩ ra máu, chảy máu cam, chảy máu răng.
– Không dùng gừng cho người bị cảm nắng, vã mồ hôi, sốt cao không rét.
– Không dùng gừng liều cao, nhiều ngày cho người tiểu đường, bệnh tim, phụ nữ có thai.