Phụ Tử Chế
26 11/19
26/11/2019

Phụ Tử Chế

1406 lượt xem

Phụ tử là rễ con của cây Ô đầu. Dược liệu này có vị rất cay, đắng kèm theo ngọt, tính nhiệt và rất độc, tác dụng hồi dương, ôn thận và thông hành các kinh. Vì vậy không nên sử dụng bài thuốc từ phụ tử cho người có âm hư dương thịnh và phụ nữ mang thai.

1. Tên gọi – phân nhóm

Tên gọi khác: Cách tử, Hắc phụ, Rễ con của cây Ô đầu,…

Tên khoa học: Aconitum fortunei Hemsl

Họ khoa học: Hoàng liên (danh pháp khoa học: Ranunculaceae)

2. Đặc điểm sinh thái

Mô tả

Phụ tử là một trong 4 cây thuốc quý (sâm, nhung, quế, phụ). Phụ tử là rễ con của cây Ô đầu – một loài thực vật thân cỏ, mọc thẳng đứng, chiều cao khoảng 60 – 100cm, toàn thân có lông ngắn bao phủ.

Hoa phụ tử mọc thành chùm ở đầu cành, dài khoảng 6 – 15cm và có màu xanh tím

Lá cây chia làm 3 thùy, hình trứng ngược, mép lá có răng cưa ở nửa trên, đường kính khoảng 4 – 7mm. Hoa mọc thành chùm dày, có màu xanh tím, chùm hoa dài khoảng 6 – 15cm. Quả có 5 đại, dài 2 – 3mm, hạt có vảy.

Phân bố

Cây phân bố chủ yếu ở các vùng miền núi Tây Bắc, mọc nhiều nhất ở dãy núi Hoàng Liên Sơn.

3. Bộ phận dùng, thu hái, sơ chế và bảo quản

Bộ phận dùng

Rễ củ của cây được hái làm thuốc, rễ con được gọi là phụ tử còn củ được gọi là ô đầu.

Thu hái, sơ chế

Thời điểm thu hái thích hợp nhất là trước khi hoa nở (khoảng vào tháng 8). Dược liệu có độc tính cao nên cần phải bào chế trước khi sử dụng.

Cách bào chế dược liệu phụ tử:

  • Hắc phụ phiến: Chọn phụ tử cỡ vừa, sau đó đem ngâm với nước muối mặn trong 3 – 5 ngày. Đem nấu sôi lên, bỏ nước, đem vớt rễ ra, rửa sạch và thái thành từng phiến dày. Tiếp tục ngâm với nước muối hạt cùng với thuốc nhuộm (có màu trà đặc). Sau đó đem rửa sạch đến khi dùng lưỡi nếm không thấy bị cay tê. Cuối cùng đem dược liệu đồ chín, sấy khô 1 nửa và đem phơi khô hoàn toàn.
  • Diêm phụ tử: Chọn thứ rễ hơi to, rửa sạch và ngâm với nước muối pha. Mỗi ngày vớt rễ ra phơi cho đến khi thấy tinh thể muối hóa cứng bên ngoài phụ tử. Sau đó giần sơ qua để loại bỏ bớt muối trên dược liệu là dùng được.
  • Đạm phụ phiến: Dùng diêm phụ phiến ngâm với nước, ngày thay nước từ 2 – 3 lần cho hết muối. Sau đó cho dược liệu vào nồi cùng với đậu đen và cam thảo, đổ thêm nước vào, nấu cho thấm đến khi cắt ra và nếm lưỡi không thấy vị tê, cay là được. Cuối cùng bỏ hết đậu đen và cam thảo, cạo bỏ vỏ, chẻ làm 2 miếng, thêm nước và nấu trong 2 giờ. Khi dược liệu chín, đem để ráo và ủ cho mềm, sau đó cắt thành miếng và phơi khô là dùng được.
  • Bạch phụ phiến: Chọn loại rễ nhỏ, đem ngâm với muối mặn trong vài ngày. Sau đó đem đun sôi cho đến khi dược liệu chín nhừ, vớt ra, bóc bỏ vỏ ngoài và cắt thành từng phiến. Dùng dược liệu rửa nhiều lần với nước cho đến khi còn vị cay tê, sau đó lấy ra đem đồ chín, phơi khô nửa chừng và xông với lưu huỳnh cho khô hoàn toàn là dùng được.
  • Hoặc dùng Diêm phụ tử rửa sạch, ngâm trong nước qua 1 đêm, bỏ cuống và vỏ, sau đó cắt miếng và ngâm với nước cho đến khi không còn vị cay, tê. Vớt dược liệu ra đem tẩm với nước gừng trong 1 – 3 ngày, sau đó vớt ra, đồ chín và sấy khô 7 phần. Cuối cùng cho vào nồi rang với lửa to để nước gừng bay hoàn toàn, đem dược liệu ra và để nguội dùng dần.

Bảo quản

Ở nơi khô thoáng.

4. Thành phần hóa học

Phụ tử chứa thành phần hóa học đa dạng như Salsolinol, Beiwutine, Mesaconitine, Higenamine, Coryneinechloride, Hypaconitine, 10-Hydroxymesaconitine, Karakoline, Aconitine, Fuziline, Neoline,…

5. Tính vị

Vị cay, nóng

6. Quy kinh

Qui kinh Tâm, Thận, Tỳ.

7. Tác dụng dược lý

Theo Y học cổ truyền:

Phụ tử có tác dụng hồi dương cứu nghịch, bổ hỏa trợ dương, ôn kinh, tán hàn, trừ thấp chỉ thống, thông kinh lạc.

Chủ trị các chứng: vong dương, dương hư, hàn tý, âm thư.

Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:

Nước sắc Phụ tử liều nhỏ làm tăng huyết áp động vật được gây mê, với liều lượng lớn, lúc đầu làm hạ sau làm tăng, tăng lực co bóp cơ tim , tác dụng cường tim rõ, tăng lưu lượng máu của động mạch đùi và làm giảm lực cản của động mạch, làm tăng nhẹ lưu lượng máu của động mạch vành và lực cản. Thành phần cường tim của Phụ tử là phần hòa tan nước. Độc tính của phần hòa tan trong cồn là rất cao so với phần hòa tan trong nước.

Tác dụng kháng viêm: thuốc sắc Phụ tử cho súc vật gây viêm khớp uống hoặc chích màng bụng đều có tác dụng chống viêm.

Tác dụng nội tiết: thuốc có tác dụng làm giảm lượng Vitamin C ở vỏ tuyến thượng thận chuột đồng. Một số thí nghiệm trên súc vật chứng tỏ nước thuốc làm tăng tiết vỏ tuyến thượng thận và tăng chuyển hóa đường, mỡ và protein, nhưng trên một số thí nghiệm khác thì tác dụng này chưa rõ.

Tác dụng lên hệ thần kinh trung ương: acotinine với liều 0,1 – 0,2mg/kg có tác dụng làm giảm phản xạ có điều kiện và không điều kiện và làm giảm nồng độ ammoniac ở não.

Thuốc có tác dụng làm tăng miễn dịch cơ thể.

Dược liệu có độc tính cao, dấu hiệu nhiễm độc: Buồn nôn, chảy nước miếng, hoa mắt, tê chân tay, khô miệng, nôn mửa, hoa mắt, thân nhiệt giảm, mạch chậm, tim hồi hộp, khó thở, tụt huyết áp,… Dùng bài thuốc cam thảo 20g, sinh khương 20g, kim ngân hoa 80g, đậu xanh 80g, đem sắc uống và thêm đường để giải độc.

8. Cách dùng, liều lượng

Liều dùng trung bình: 3 – 15g/ ngày. Khi dùng phụ tử, nên sắc 30 – 60 phút trước khi cho các dược liệu khác vào.

Một số người có đáp ứng tốt có thể dùng liều cao hơn. Tuy nhiên ở những người có cơ địa nhạy cảm, sử dụng phụ tử ở liều thấp cũng đã xuất hiện các triệu chứng nhiễm độc. Vì vậy khuyến cáo nên dùng ở liều thấp nhất để xem xét biểu hiện trước khi quyết định tăng liều dùng.

9. Bài thuốc có sử dụng dược liệu phụ tử

Dùng độc vị Phụ tử để trị bệnh rất ít có báo cáo, Y học thường dùng Phụ tử trong các bài thuốc trị các chứng bệnh như sau:

1. Trị các chứng tâm thận dương hư: chứng thổ tả, nôn, ra mồ hôi nhiều, chân tay lạnh, mạch nhỏ khó bắt, dùng các bài sau để cấp cứu:

  • Tứ nghịch thang (Thương hàn luận): Thục phụ tử 12g, Can khương 10g, Chích thảo 4g, sắc uống.
  • Sâm phụ thang (Phụ nhân lương phương): Nhân sâm 8 – 16g, Thục phụ tử 4 – 12g, hai thứ sắc riêng trộn uống. Bài thuốc có tác dụng hồi dương, ích khí cố thóat, dùng cho tất cả các trường hợp bệnh lý do mất máu hoặc mất nước, nguyên khí suy thoái, chân tay lạnh, huyết áp hạ, mạch yếu khó bắt.

2. Trị các chứng viêm thận mạn, thận hư nhiễm mỡ: phù chân tay lạnh, biểu hiện tỳ thận dương suy, theo báo cáo có nhiều trường hợp có kết quả, thường dùng các bài:

  • Chân vũ thang (Thương hàn luận): Thục phụ tử 8 – 12g, Bạch linh 12g, Bạch truật 8 – 12g, Bạch thược 8 – 16g, Sinh khương 8 – 12g, sắc nước uống, phù nhiều gia thêm Ngũ linh tán (Bạch linh, Bạch truật, Trư linh, Trạch tả, Quế chi); nếu có cổ trướng gia bài Ngũ bì ẩm (Đại phúc bì, Trần bì, Sinh khương bì, Tang bạch bì, Bạch linh bì).
  • Bát vị hoàn (Kim quỉ yếu lược): Thục phụ tử 12g, Nhục quế 4g, Thục địa, Sơn dược đều 16g, Sơn thù, Phục linh, Đơn bì, Trạch tả đều 12g, tán bột mịn luyện mật làm hoàn hoặc tùy chứng gia giảm sắc uống.

3. Trị chứng đau nhức: chân tay mình mẩy thuộc chứng phong hàn thấp tý, dùng các bài:

  • Quế chi phụ tử thang (Kim quỉ yếu lược): Quế chi 8 – 10g, Thục phụ tử 4 – 10g, Sinh khương 8 – 12g, Chích thảo 4 – 8g, Đại táo 2 – 5 quả, sắc uống.
  • Phụ tử thang (Thương hàn luận): Thục phụ tử, Bạch linh, Đảng sâm, Bạch truật, Thược dược đều 10g, sắc uống (Phụ tử nên sắc trước 30 phút).

Liều lượng thường dùng và chú ý:

  • Liều thường dùng cho thuốc thang là 3 – 15g. Phụ tử nên sắc trước từ 30 – 60 phút. Liều Phụ tử nhiều ít là khác nhau rất lớn, tùy thuộc vào các yếu tố:

+ Cơ địa: mỗi ngưiời đáp ứng đối với thuốc có khác: theo Y văn, có người dùng Phụ tử trên 100g không sao, có người dùng liều nhỏ đã có triệu chứng nhiễm độc, tốt nhất nên dùng liều nhỏ bắt đầu.

+ Địa phương, tập quán khác nhau: theo báo cáo của Trung quốc người dân Tứ xuyên thường dùng Phụ tử nấu với thịt để ăn thì đối với dân xứ này có thể dùng liều cao. Theo các học giả Trung quốc thì alcaloit của cây Ô đầu được sắc lâu độc tính chỉ bằng 1/2000 – 1/4000 của Ô đầu sống.

10. Lưu ý:

Không dùng đối với trường hợp âm hư dương thịnh, chân nhiệt giả hàn và phụ nữ có thai (vì Phụ tử cay nóng có độc như sách Danh y biệt lục ghi: ” là loại thuốc mạnh hàng đầu có thể gây trụy thai”.

Triệu chứng nhiễm độc Phụ tử thường thấy: chảy nước miếng, buồn nôn, nôn, mồm khô, tiêu chảy, hoa mắt, chóng mặt, chân tay và mình mẩy có cảm giác tê, mạch chậm, khó thở, chân tay co giật, bất tỉnh, tiêu tiểu mất tự chủ, huyết áp và nhiệt độ đều hạ thấp, rối loạn nhịp tim.Trên lâm sàng dùng Atropin liều cao để làm giảm triệu chứng, hồi phục điện tâm đồ. Trên súc vật thí nghiệm, Lidocain làm giảm tỷ lệ tử vong do nhiễm độc Phụ tử. Thuốc cổ truyền dùng Cam thảo, Gừng khô, Đậu xanh làm giảm độc tính.

Phụ tử thường dùng cùng với các vị thuốc làm ấm cơ thể như: Nhục quế, Can khương, Cam thảo, Bạch truật, Nhân sâm, Hoàng kỳ để ôn dương ích khí, đồng thời có thể dùng với thuốc hàn lương như: Đại hoàng để ôn hạ dùng trong trường hợp táo bón do hư hàn, dùng với Nhân trần để trị chứng âm hoàng do hàn thấp.

Bài viết chỉ cung cấp những thông tin cơ bản về vị thuốc phụ tử. Nếu có thắc mắc về liều lượng và các bài thuốc từ dược liệu này, bạn nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa y học cổ truyền.

huyhoang
huyhoang
Gửi tin nhắn cho chúng tôi